Cáp quang biển dự kiến sẽ được sửa xong trong tháng 6

Sau sự cố 5 tuyến cáp quang biển kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế gặp phải các trục trặc cùng lúc hồi đầu năm đã làm ảnh hưởng đến tốc độ truyền dẫn dữ liệu cũng như làm mất sự ổn định của nhiều hệ thống máy chủ quốc tế thì mãi cho đến nay, các tuyến cáp quang này mới được các đơn vị quản lý khắc phục xong.

Theo thông tin cập nhật được từ Cục Viễn thông thì hiện đã có tổng số 4 tuyến cáp được khôi phục dung lượng trong tháng 5 này và tuyến cáp còn lại sẽ được sửa xong trong tháng 6 tới.

1. 5 tuyến cáp quang biển đồng loạt mất kết nối ngay đầu năm 2023

Việc có tới 5 tuyến cáp quang biển lần lượt gặp sự cố là một tình huống khá phức tạp và chưa từng có trong tiền lệ của các nhà mạng tại Việt Nam. Không chỉ khiến cho các nhà mạng gặp nhiều khó khăn trong việc duy trì chất lượng dịch vụ Internet cho người dùng mà việc đứt cáp quang còn ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu làm việc và giải trí của nhiều người dùng.

Cụ thể, với 3 tuyến cáp quang biển gặp sự cố trong năm 2022 và vẫn chưa được khắc phục thì đến ngày 30/01/2023 lại có thêm 1 tuyến cáp IA tiếp tục bị mất kết nối quốc tế. Như vậy, tổng số 5 tuyến cáp quang biển kết nối Việt Nam đi quốc tế thì lần lượt cả 5 tuyến cáp đều hoạt động không bình thường.

5 tuyến cáp quang đang gặp sự cố bao gồm AAG (Asia America Gateway), AAE-1 (Asia – Africa – Europe 1),  APG (Asia Pacific Gateway), SMW-3 bị lỗi cáp và Intra Asia (IA, còn gọi là Liên Á). Trong đó, hai tuyến cáp quan trọng APG và AAG hiện đang bị mất toàn bộ dung lượng kết nối. Tuyến AAE-1 bị mất một phần kết nối tới trạm HongKong và tuyến IA (Liên Á) bị mất một phần dung lượng kết nối hướng Singapore.

2. Cập nhật lịch sửa 5 tuyến cáp quang biển

2.1 Tuyến IA và SMW3 đã khôi phục xong vào ngày 3/5

Từ ngày 3/5 thì Cục Viễn thông đã có thông tin cho biết tuyến cáp IA đã hoạt động lại bình thường và khôi phục toàn bộ dung lượng. Trước đó, Ban quản lý tuyến cáp Liên Á đã có những động thái nhanh chóng đăng ký đội tàu sửa chữa để có thể đưa kết nối của tuyến cáp này hoạt động bình thường trong thời gian sớm nhất.

Tuyến cáp quang IA (Liên Á) có vai trò rất quan trọng trong việc trung chuyển dung lượng truy cập của người dùng Việt Nam đến các máy chủ đặt ở Châu Mỹ và Châu Âu. Trong khi đó tuyến SMW3 đã từng là tuyến cáp quang cuối cùng còn nguyên vẹn sau khi 4 tuyến cáp khác bị lỗi đồng loạt, thế nhưng cuối tháng 2/2023 thì tuyến cáp này cũng đã gặp sự cố.

Về SMW3, tuyến cáp này đã được Ban quản lý nhanh chóng khắc phục sự cố và là tuyến cáp đầu tiên quay trở lại hoạt động bình thường. Thế nhưng, tuyến cáp SMW3 lại là tuyến cáp già cỗi và lỗi thời nhất trong số 5 tuyến cáp quang biển Việt Nam đang vận hành, theo đó thì cuối năm nay đơn vị chủ quản của tuyến cáp này sẽ tiến hành ngắt kết nối và cho tuyến cáp quang biển này “về hưu”.

2.2 Trong tháng 5 sẽ khắc phục xong tuyến AAG và AAE-1

Cục Viễn thông cũng đồng thời thông báo hai tuyến cáp quang AAE-1 và AAG dự kiến sẽ được sửa chữa xong trong tháng 5. Như vậy, đã có 4 trong tổng cộng 5 tuyến cáp quang sắp quay trở lại hoạt động bình thường, dự kiến đường truyền Internet và tốc độ truyền dẫn sẽ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Trước đó, các nhà mạng cũng đã có các biện pháp khắc phục sự cố đứt cáp quang biển như mua thêm băng thông các đường truyền trên đất liền, phân bổ và điều tiết lại lưu lượng của các tuyến cáp quang. Điều này đã khắc phục được phần nào tình trạng mạng load chậm hay mất kết nối khi người dùng truy cập vào các server đặt ở nước ngoài, thế nhưng tại một số thời điểm có số lượng người truy cập cao như buổi tối thì tình trạng nghẽn mạng vẫn xảy ra gây không ít khó chịu cho người dùng.

2.3 APG sẽ được khôi phục toàn bộ dung lượng trong tháng 6

Cáp quang biển APG là một trong những tuyến cáp quan trọng bật nhất giúp đảm bảo dung lượng kết nối lớn giữa Việt Nam và quốc tế, tuy nhiên tuyến cáp quang này đã có 2 lần liên tiếp gặp sự cố mất kết nối trong thời gian gần đây. Lần mới nhất mà tuyến cáp này gặp lỗi là vào ngày 30/1/2023 trên nhánh S9 kết nối với Singapore và vào tháng 12/2022 trên nhánh S6 kết nối đi HongKong. Hai lần liên tiếp gặp lỗi đã khiến cho tuyến cáp quang quan trọng này mất đi toàn bộ dung lượng kết nối.

Dù được các nhà mạng Việt Nam xác nhận sẽ nhanh chóng khắc phục sự cố trên nhánh S6 ngay trong tháng 3 và nhánh S9 vào tháng 4 này thế nhưng mãi cho đến nay thì các sự cố này vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn. Theo thông tin mới nhất từ Hiệp hội Internet Việt Nam mà Phong Vũ ghi nhận được, tuyến cáp APG sẽ được khôi phục toàn bộ kết nối vào tháng 6 này.

Nếu như tuyến cáp quang biển APG được khôi phục toàn bộ dung lượng thì đây thực sự là một tin mừng với các doanh nghiệp Việt Nam đang có server đặt ở Châu Á, đặc biệt là Singaore và Nhật Bản. Khi tuyến cáp quang APG này bị mất dung lượng kết nối đã ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ truy cập website của các trang web này, vô tình làm gián đoạn trải nghiệm của khách hàng.

3. Việt Nam sẽ có thêm tuyến cáp quang tốc độ cao vào cuối năm

Vấn đề của viễn thông Việt Nam hiện nay là đang vận hành quá ít các tuyến cáp quang quốc tế trong khi nhu cầu của người dùng là cực kỳ cao, điều này đã khiến cho tình trạng quá tải diễn ra thường xuyên. Bên cạnh đó, tình trạng hoạt động không ổn định của các tuyến cáp này cũng rất đáng báo động khi thường xuyên gặp phải trục trặc, gây gián đoạn cho hoạt động Internet tại nước ta.

Tin vui là vào cuối năm nay, 2 nhà mạng lớn là Viettel và VNPT sẽ đưa vào hoạt động các tuyến cáp quang biển mới, dù đây chưa phải là những tuyến cáp do tự chủ do nước ta tự vận hành và còn phụ thuộc vào những đối tác nước ngoài nhưng thông tin này cũng thực sự đáng mừng.

Theo đó, nhà mạng Viettel sẽ khai thác thêm tuyến cáp ADC và được sử dụng 18Tbps dung lượng của tuyến này, qua đó nâng gấp 3 lần băng thông Internet mà nhà mạng này đang sở hữu. Ngoài Viettel, nhà mạng VNPT cũng sẽ tham gia vào tuyến SJC 2, giúp cho băng thông đường truyền Internet của nước ta tăng lên gấp nhiều lần so với hiện có.

4. Cách cải thiện tốc độ mạng tạm thời trong khi đợi cáp quang được sửa

Trong khi chờ đợi những tuyến cáp quang biển ở trên hoạt động trở lại bình thường thì quý khách hàng vẫn có thể khắc phục tạm thời tình trạng mạng lag, load chậm bằng cách thay đổi DNS hay giả lập địa chỉ IP.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

   
icon zalo
messenger facebook