Cho dù chơi game, chỉnh sửa video hay đa nhiệm trên laptop, bộ xử lý đồ họa (GPU) chuyên dụng cung cấp các tính năng nâng cao mà đồ họa tích hợp không thể sánh kịp.
Hiểu được những lợi thế đến từ GPU chuyên dụng mang lại cho laptop, người dùng có thể chủ động đưa ra quyết định đúng đắn hơn trước khi chi tiền mua sắm.
Hiệu suất đồ họa vượt trội
Không giống như đồ họa tích hợp vốn chia sẻ tài nguyên với CPU, GPU chuyên dụng như dòng Nvidia GeForce RTX có tài nguyên riêng. Với bộ nhớ và lõi riêng, GPU chuyên dụng có thể xử lý các tác vụ phức tạp đòi hỏi xử lý đồ họa nặng, như chơi game, chỉnh sửa video, dựng hình 3D và thiết kế đồ họa. Điều này dẫn đến thời gian dựng hình nhanh hơn và trải nghiệm hình ảnh được cải thiện so với đồ họa tích hợp cao cấp, chẳng hạn như Iris Xe của Intel.
Tuy nhiên, người dùng cần chọn laptop có GPU chuyên dụng dựa trên nhu cầu của mình. Ví dụ Nvidia GeForce RTX 3050 không lý tưởng cho các tác vụ chỉnh sửa hoặc kết xuất video do VRAM 4 GB khá hạn chế. Nếu đang tìm kiếm một lựa chọn mạnh mẽ hơn có thể xử lý các tác vụ đòi hỏi khắt khe hơn, laptop có GPU Nvidia GeForce RTX 3080 (có phiên bản 8 GB hoặc 16 GB) sẽ tốt hơn.
Đa nhiệm hợp lý
GPU chuyên dụng hữu ích khi chạy nhiều ứng dụng tốn nhiều tài nguyên vì nó giảm tải xử lý đồ họa khỏi CPU và cho phép đa nhiệm mượt mà hơn. Chúng cuối cùng sẽ ngăn chặn tình trạng chậm lại liên quan đến đồ họa tích hợp.
Vì vậy, cho dù đang thực hiện các quy trình phức tạp như kết xuất đồ họa 3D hay làm việc với các tập dữ liệu lớn, GPU chuyên dụng đảm bảo laptop có thể xử lý tất cả cùng lúc và dễ dàng, giúp cải thiện hiệu suất và kéo dài tuổi thọ của laptop bằng cách giảm bớt gánh nặng cho CPU.
Tuy nhiên, không phải tất cả tác vụ hằng ngày đều yêu cầu GPU chuyên dụng. Ví dụ, nếu chỉ muốn xem các trang web phát trực tuyến phim miễn phí, viết một dự án hoặc quản lý đa nhiệm cho các tác vụ ít đòi hỏi hơn, tốt hơn hết người dùng nên sử dụng laptop có đồ họa tích hợp.