Ryzen 9 5900X – CPU đa năng cho chơi game và công việc

Các bộ xử lý Zen 3 đã có mặt trên thị trường một thời gian, mang đến những cải tiến đáng kể cho kiến trúc Zen 2 vốn đã rất ấn tượng. Một trong những bộ xử lý tốt nhất là AMD Ryzen 9 5900X, chỉ đứng sau Ryzen 9 5950X. CPU này có tới 12 nhân và 24 luồng và được AMD mệnh danh là bộ xử lý chơi game tốt nhất thế giới tại thời điểm nó ra mắt. Liệu điều đó có đúng không? Trước khi đi tìm hiểu thêm, phải khẳng định rằng AMD Ryzen 9 5900X là một bộ xử lý tuyệt vời, cả trong chơi game và trong bất kỳ loại khối lượng công việc nào khác. Bài viết này sẽ mang đến cho bạn những thông tin hữu ích về con chip này.

Thông số kỹ thuật phần cứng 

Ryzen 9 5900X là một trong những bộ vi xử lý máy tính để bàn cao cấp thuộc thế hệ CPU mới nhất dựa trên Zen 3 của AMD. Tất cả dòng Ryzen 5000 được sản xuất trên cùng quy trình 7nm mà AMD đã áp dụng từ kiến trúc Zen 2. Tuy nhiên, dòng sản phẩm mới mang đến một số cải tiến đáng kể. Bộ xử lý Ryzen 5000 đã được thiết kế lại và tối ưu hóa ở nhiều khía cạnh, và thay đổi quan trọng nhất là cách CPU truy cập bộ nhớ đệm L3. Trong Zen 2, bộ xử lý Ryzen 3000 sử dụng thiết kế cụm 4 nhân cho phép tất cả các nhân truy cập đồng thời 16 MB bộ nhớ đệm L3. Trong khi đó, các CPU Zen 3 Ryzen 5000 sử dụng thiết kế cụm 8 nhân cho phép cả 8 nhân truy cập trực tiếp 32 MB bộ nhớ đệm L3. Thay đổi này có nghĩa là bộ xử lý mới có đường truyền nhanh hơn giữa các nhân và bộ nhớ đệm và độ trễ bộ nhớ thấp hơn, dẫn đến hiệu suất tổng thể tốt hơn, đặc biệt là trong chơi game.

Ryzen 9 5900X sở hữu 12 nhân và 24 luồng chạy ở xung nhịp cơ bản 3,7 GHz và boost 4,8 GHz. Tổng dung lượng bộ nhớ đệm L3 là 64 MB. Về thông số RAM, bộ xử lý chính thức hỗ trợ DDR4-3200 ở chế độ kênh đôi, tuy vậy điểm khuyến nghị vẫn là DDR4-3600, giống như trên các CPU Zen 2. Mặc dù xung nhịp tăng cao hơn một chút so với Ryzen 9 3900X, nhưng AMD Ryzen 9 5900X có cùng TDP (Công suất thiết kế nhiệt) là 105W. AMD đã quyết định không còn đi kèm bộ tản nhiệt cơ bản với bộ xử lý này. Lý do là những người mua một CPU cao cấp thường thích sử dụng các giải pháp tản nhiệt hiệu suất cao từ bên thứ 3 thay vì các tản nhiệt đi kèm.

Hiệu suất ứng dụng 

Đầu tiên, thử nghiệm với Cinebench R20, kết quả 8503 điểm là đáng kinh ngạc. Mức tăng 17% so với 3900X, giúp cho 5900X chỉ chậm hơn 8% so với 3950X. Đây là những con số ấn tượng khi xét trên CPU có ít hơn 25% số nhân.

Chạy benchmark đơn nhân cho thấy lý do tại sao 5900X nhanh hơn rất nhiều so với 3900X trong Cinebench R20. Mức tăng lên tới 23% đối với hiệu suất đơn luồng và tương tự như của 5950X, chúng ta có thể mong đợi hiệu suất chơi game mạnh mẽ của con chip này.

Khi chạy Cinebench R20 với tất cả các nhân đều được tải nặng, 5900X có xung nhịp khoảng 4,3 GHz. Trong khi đó, AMD liệt kê xung nhịp cơ bản là 3,7 GHz.

Còn khi chạy benchmark đơn nhân Cinebench, 5900X thường duy trì ở tốc độ 4,9 GHz, cao hơn 100 MHz so với thông số AMD đưa ra. AMD lần này đã đảm bảo rằng xung nhịp boost tối đa không chỉ dễ dàng đạt được mà còn có thể vượt quá, để tránh sự cố như với xung nhịp boost của Zen 2 trước kia.

Những cải tiến về kiến trúc, đáng chú ý nhất là dung lượng bộ nhớ đệm L3 nhiều hơn có thể truy cập trực tiếp trên mỗi CCX, mang lại hiệu suất mạnh mẽ cho Zen 3 ở tác vụ nén file trong 7-Zip. Ryzen 9 5900X nhanh hơn 20% khi so với thế hệ trước. Thậm chí nó còn ngang ngửa với 3950X có số nhân luồng cao hơn.

Khi giải nén, SMT đã phát huy lợi ích và kết quả là 3950X có thể vượt lên. Kết quả cho ra 5900X chỉ chậm hơn 8% và vẫn đang có mức tăng hiệu suất đáng kể 19% so với 3900X.

Chuyển sang Blender, 5900X render nhanh hơn 12% so với 3900X. Khi so sánh với 3950X, nó chậm hơn 12% và sau đó chậm hơn 19% so với 5950X.

Kiến trúc Zen 3 hoàn toàn chiếm ưu thế trong V-Ray. 5900X gần như tương đương với 3950X 16 nhân cũ hơn và nhanh hơn tới 24% so với 3900X, một sự cải thiện đáng kể.

Một trình render khác là Corona cho thấy kiến trúc Zen 3 đã làm tốt thế nào, 5900X nhanh hơn nhiều so với 3900X, mức tăng lên tới 23%, mang lại hiệu suất giống như 3950X.

Adobe Premiere Pro sử dụng bài kiểm tra tổng hợp PugetBench bao gồm nhiều tác vụ, mức cải thiện hiệu suất không còn quá ấn tượng nhưng vẫn giúp 5900X ngang bằng với 3950X, trong khi tốt hơn 3900X khoảng 6%.

Hiệu suất chơi game

Thử nghiệm với một vài tựa game phổ biến để kiểm chứng xem Ryzen 9 5900X có thực sự là “Bộ xử lý chơi game tốt nhất thế giới” như AMD tuyên bố hay không.

5900X vượt qua 3900X trong Rainbow Six Siege với khoảng cách 9%, đồng thời ngang bằng với 5950X.

Trong Watch Dogs: Legion, có thể thấy hiệu suất mạnh mẽ từ 5900X, mức tăng khá lớn 15% so với 3900X.

Bộ xử lý Zen 3 thực sự không có đối thủ trong Death Stranding, 5900X có hiệu suất khớp hoàn toàn với bộ xử lý 16 nhân 5950X, giúp cho nó nhanh hơn 35% so với 3900X, một sự cải thiện cực lớn giữa các thế hệ.

Tiếp tục là một tựa game 5900X có thể sánh ngang với 5950X, Shadow of the Tomb Raider, đồng thời đánh bại 3900X và 3950X với khoảng cách 26%.

Tổng hợp hiệu suất trung bình của 13 tựa game được thử nghiệm. Hiệu suất của 5900X tương tự 5950X, vì vậy nếu chỉ xét tới khả năng chơi game, rõ ràng 5900X đáng lựa chọn hơn. Khi so với thế hệ trước là 3900X, hiệu suất tăng ấn tượng tới 20%. Những thay đổi trong kiến trúc bộ nhớ đệm và cải thiện 19% IPC đã thực sự được AMD chuyển thành hiệu suất trong thực tế.

Ryzen 9 5900X – Xứng đáng là bộ xử lý Zen 3 đáng sở hữu nhất

Qua những trải nghiệm thực tế, Ryzen 9 5900X thực sự là một CPU ấn tượng khi thể hiện hiệu suất vượt trội so với thế hệ trước 3900X, thậm chí có những ứng dụng có thể cạnh tranh được với 3950X 16 nhân. Với trang bị 12 nhân 24 luồng cùng xung nhịp cao, những ứng dụng render sử dụng đa nhân sẽ là lợi thế không thể bàn cãi của 5900X.

Đối với khả năng chơi game, 5900X chắc chắn là CPU mà mọi game thủ muốn sở hữu. Hiệu suất tương tự so với 5950X đắt tiền hơn, rõ ràng đây sẽ là lựa chọn của nhiều người build PC chơi game cao cấp. Thực tế sau một thời gian bán ra thì Ryzen 9 5900X có những thời điểm là CPU bán tốt nhất dòng Ryzen 5000, càng chứng minh sức hút của bộ xử lý 12 nhân này.

Ngoài ra, với nền tảng AM4 đã trưởng thành qua nhiều năm, việc đầu tư chi phí vào các thành phần linh kiện như bo mạch chủ, RAM, tản nhiệt trở nên dễ thở hơn rất nhiều so với một nền tảng mới hoàn toàn. Nếu muốn nâng cấp trong tương lai, bạn hoàn toàn có thể thay thế bằng Ryzen 9 5950X để cải thiện hiệu suất đa nhân hoặc Ryzen 7 5800X3D cải thiện hiệu suất chơi game.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

   
icon zalo
messenger facebook